Chứng khoán F0: Wyckoff – Những quy luật quan trọng cần phải biết khi phân tích xu hướng thị trường (Phần 1). Hôm nay tôi sẽ giới thiệu đến các bạn nhà đầu tư F0 một phương pháp phân tích xu hướng thị trường với độ hiệu quả cao nhưng lại khá đơn giản trong việc học tập và ứng dụng. Đó chính là phân tích thị trường dựa trên mô hình Wyckoff.

Giới thiệu chung về mô hình Wyckoff.

Phương pháp Wyckoff bao gồm mô hình phân tích Khối lượng Chênh lệch giá VSA và Spring and Upthrust, đây là hai mô hình phổ biến có thể áp dụng phân tích cho cả thị trường chứng khoán và các thị trường hàng hóa, tiền tệ khác.

Người sáng tạo ra quy luật Wyckoff là Richard Demille Wyckoff (1873- 1934). Ông bắt đầu sự nghiệp trên thị trường tài chính từ năm 15 tuổi, ban đầu ông làm nhân viên nhập lệnh cho một công ty mối giới tại New York. 10 năm sau, ông tự mở công ty môi giới của riêng mình. Thông qua trò chuyện, phỏng vấn và nghiên cứu về các nhà giao dịch thành công, ông đã hệ thống hóa các phương pháp giao dịch hay nhất, kết hợp với phương pháp giao dịch của mình hình thành nên phương pháp Wyckoff.

Ba quy luật quan trọng trong Wyckoff.

1. Quy luật cung-cầu.

Tương tự như thị trường giao dịch hàng hóa(thóc, gạo, lúa mỳ, ngô, đậu tương, dầu thô,…), trong mô hình Wyckoff, quy luật cung cầu cũng hiện hữu một cách rõ ràng.

Trên thị trường hàng hóa, khi lượng cung hàng hóa sụt giảm mà lượng nhu cầu mua không thay đổi thì giá cả sẽ gia tăng, điều này cũng xảy ra tương tự khi lượng cung không đổi nhưng nhu cầu mua gia tăng. Tuy nhiên , khi lượng cầu sụt giảm hoặc không thay đổi nhưng lượng cung lại gia tăng thì giá hàng hóa sẽ có sự sụt giảm. Đó là lý do vì sao những kim loại khan hiếm như vàng, bạc hay kim cương lại đắt đỏ đến như vậy. Một ví dụ thực tiễn gần đây nhất đó là trong năm 2022 vừa qua giá dầu thô đã có sự gia tăng chóng mặt do thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra cũng như khi OPEC điều tiết lại nguồn cung dầu mỏ.

Ứng dụng quy luật cung-cầu vào đầu tư trên thị trường chứng khoán rất đơn giản, thứ chúng ta cần để ý đó chính là nến giá trên 1 khung thời gian cụ thể. Một cây nến tăng sẽ xuất hiện khi tại một thời điểm nào đó sức mạnh phe mua trở nên vượt trội hơn phe bán và ngược lại, một cây nến giảm sẽ xuất hiện khi tại thời điểm nào đó phe bán giành được lợi thế, biên độ giá càng lớn thì chứng tỏ sức mạnh của phe mua(phe bán) càng lớn. Trường hợp tại 1 thời điểm mà sức mạnh của cả 2 phe có sự cân bằng thì nến giá sẽ xuất hiện với biên độ dao động rất nhỏ thậm chí là bằng 0, trạng thái này chính là sideway và cũng là trạng thái xuất hiện với tần suất lớn nhất trên thị trường.

Chính vì quy luật thứ nhất rất đơn giản nên nó cũng có khuyết điểm. Như chúng ta đã biết trên các khung thời gian, việc xuất hiện các yếu tố cung cầu giả rất nhiều, điều này có thể là do sự can thiệp của các tổ chức hoặc cá mập. Nếu chúng ta không nhận ra được những cú lừa như thế này thì việc xác định sai xu hướng và mất tiền rất dễ xảy ra. Để giải quyết vấn đề xác định cung cầu giả, chúng ta hãy chuyển sang tìm hiểu quy luật tiếp theo: “Nỗ lực và kết quả” .

2. Nỗ lực và kết quả.

Nỗ lực hay kết quả đều là những từ ngữ hết sức quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Trong công việc, kết quả tốt hay xấu sẽ chịu ảnh hưởng của 2 yếu tố: khách quan và chủ quan. Mặc dù không thể phủ nhận rằng đôi khi những tác động đủ lớn bên ngoài sẽ khiến cho kết quả xảy ra không như mong đợi nhưng phần lớn trong số đó, thành tựu tương xứng sẽ đến với chúng ta nỗ lực không ngừng.

Trên thị trường chứng khoán cũng vậy, mỗi một hành vi biến động của giá tại một thời điểm sẽ nói cho chúng ta biết nỗ lực kiểm soát của phe mua hoặc phe bán và kết quả của những hành vi đó. Nếu phe mua(phe bán) cho thấy sự nỗ lực của họ đi kèm với kết quả khả quan mà họ đạt được thì ta cũng có thể xác định được họ đang làm chủ thị trường trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, trong trường hợp phe mua nỗ lực đẩy giá lên hoặc phe bán nỗ lực đẩy giá xuống nhưng giá không biến động hoặc có biên độ biến động nhỏ thì điều này cho thấy số đông thị trường đang từ chối yêu cầu của họ.

Để nhận biết tất cả những điều trên thì chúng ta sẽ cần phải dựa trên phân tích 2 yếu tố hết sức quen thuộc đó là biên độ giá và khối lượng giao dịch. Sẽ có những trường hợp cụ thể như sau:

– Cây nến tăng giá xuất hiện với biên độ lớn, volume lớn=> Lực đẩy giá lên mạnh, phe mua đang đẩy lùi phe bán.

– Cây nến giảm giá xuất hiện với biên độ lớn, volume lớn=> Lực đạp giá xuống mạnh, phe bán đang đẩy lùi phe mua.

– Cây nến tăng giá xuất hiện với biên độ lớn nhưng volume nhỏ=> đây có thể là do sức mạnh của phe mua đột ngột mạnh lên trong khi phe bán trở nên yếu đi nhưng cũng có thể là do có sự tác động từ các tổ chức hoặc cá mập. Để xác nhận lại liệu có phải cầu ảo hay không thì ta sẽ cần đợi hành động giá ở những cây nến xuất hiện sau đó.

– Cây nến giảm giá xuất hiện với biên độ lớn nhưng volume nhỏ=> đây có thể là do sức mạnh của phe bán đột ngột mạnh lên trong khi phe mua trở nên yếu đi nhưng cũng có thể là do có sự tác động từ các tổ chức hoặc cá mập. Để xác nhận lại liệu có phải cung ảo hay không thì ta sẽ cần đợi hành động giá ở những cây nến xuất hiện sau đó.

– Nhiều cây nến tăng xuất hiện liên tiếp nhưng volume giảm dần=> lực đẩy của phe mua có sự suy yếu, có khả năng giá sắp chuyển sang sideway hoặc quay đầu điều chỉnh. Trường hợp volume không giảm dần mà lại tăng dần thì chứng tỏ xu hướng tăng của giá khả năng cao sẽ tiếp diễn.

Chứng khoán F0: Wyckoff - Những quy luật quan trọng cần phải biết khi phân tích xu hướng thị trường (Phần 1)

Chứng khoán F0: Wyckoff – Những quy luật quan trọng cần phải biết khi phân tích xu hướng thị trường (Phần 1)

Hình 1. Khung đồ thị ngày chỉ số phái sinh VN30F1M:Giá tăng nhưng khối lượng giảm dần, sau đó xuất hiện đảo chiều xu hướng.

– Nhiều cây nến giảm xuất hiện liên tiếp nhưng volume giảm dần=> lực đạp của phe bán có sự suy yếu, có khả năng giá sắp chuyển trạng thái sideway hoặc có nhịp hồi phục. Trường hợp volume không giảm dần mà lại tăng dần thì chứng tỏ xu hướng giảm của giá khả năng cao sẽ tiếp diễn.

Hình 2. Khung đồ thị ngày chỉ số VnIndex:Chỉ số giảm nhưng khối lượng giao dịch giảm dần, sau đó xuất hiện sự đảo chiều xu hướng.

Như vậy trong bài viết này tôi đã giới thiệu qua cho mọi người 2 quy tắc cơ bản trong việc ứng dụng phương pháp Wyckoff vào phân tích xu hướng thị trường. Trong phần tiếp theo tôi sẽ tiếp tục giới thiệu quy tắc thứ 3 và sau đó sử dụng ví dụ minh họa ứng dụng cả 3 quy luật này vào phân tích đồ thị giá của 1 số cổ phiếu cụ thể. Nếu có gì cần đóng góp cho chủ thớt thì mọi người đừng ngần ngại để lại bình luận ở bên dưới. Cảm ơn mọi người đã giành thời gian đọc bài viết.