Phương pháp Wyckoff: Thị trường dịch chuyển như thế nào (phần1). Những nhà đọc bảng giá đầu tiên hiểu rằng chuyển động giá không hình thành trong các khoảng thời gian bằng nhau, mà chúng chuyển động theo những con sóng với kích thước khác nhau. Đây là lý do họ nghiên cứu mối quan hệ giữa sóng tăng giá và sóng giảm giá.
1. Các sóng
Giá không di chuyển giữa hai điểm theo một đường thẳng mà diễn ra dưới dạng mẫu hình sóng. Mới đầu khi nhìn qua, chúng ta có thể tưởng đây là những chuyển động ngẫu nhiên, nhưng thật ra không phải vậy. Giá chuyển động lên xuống theo những dao động.
Đặc tính tự nhiên của sóng là Fractal, các sóng lại có sự liên quan lẫn nhau. Fractal nghĩa là các sóng cấp thấp là một phần lặp lại của sóng tầm trung, và đến lượt nó là một phần của sóng cấp cao hơn nữa.
Mỗi xu hướng tăng và xu hướng giảm được tạo ra bởi nhiều xu hướng tăng nhỏ và xu hướng giảm nhỏ. Khi một sóng kết thúc thì một sóng khác sẽ bắt đầu theo hướng ngược lại. Bằng cách nghiên cứu và so sánh mối quan hệ giữa các sóng; khoảng thời gian, vận tốc và độ rộng khung giá, chúng ta sẽ xác định được đặc tính của xu hướng.
Phân tích sóng mang lại một bức tranh rõ ràng về sự thay đổi tương đối giữa cung và cầu, giúp chúng ta đánh giá rõ ràng về sức mạnh hoặc suy yếu của người mua và người bán khi giá đang chuyển động. Thông qua việc phân tích sóng một cách cẩn trọng, chúng ta có thể nâng cao khả năng xác định được điểm kết thúc của sóng theo hướng hiện tại và điểm bắt đầu của sóng theo hướng ngược lại.
2. Chu Kỳ Giá
Theo ông Richard Wyckoff, trong cấu trúc cơ bản của thị trường chỉ có hai loại giao dịch: Xu Hướng: Xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm. Theo Khung Giá (Trading Range): Giá có thể tích lũy ( accumulation) nếu đang ở điểm bắt đầu chu kỳ, hoặc phân phối (distribution) nếu đang ở đoạn cao của chu kỳ.
Như chúng ta đã thấy, giá di chuyển trong các pha này theo đường đi của sóng. Trong pha tích lũy, các nhà giao dịch chuyên nghiệp mua tất cả các cổ phiếu trôi nổi được bán trên thị trường. Bằng nhiều thủ thuật, khi họ xác định chắc chắn không còn nguồn cung trôi nổi trên thị trường, họ bắt đầu đẩy giá vào pha có xu hướng tăng. Pha có xu hướng này đi theo con đường ít kháng cự nhất.
Các nhà giao dịch chuyên nghiệp đã xác nhận chắc chắn rằng họ không gặp phải nhiều kháng cự (phía cung) ngăn cản giá trong quá trình leo lên các đỉnh mới cao hơn. Khái niệm này rất quan trọng vì cho đến khi họ chứng minh được con đường giờ đây rộng thênh thang (không có người bán), họ sẽ không bắt đầu đẩy giá tăng; mà thay vào đó, họ tiến hành thủ thuật kiểm tra hết lần này đến lần khác.
Trong trường hợp nguồn cung còn quá lấn lướt, con đường ít kháng cự nhất sẽ là giảm giá, và giá lúc này chỉ có thể rơi xuống mà thôi. Trong xu hướng tăng, cầu của bên mua mạnh mẽ và năng động hơn cung của bên bán. Tại thời điểm này, có sự tham gia của những tay chơi lớn (người luôn có lợi thế về thông tin) và công chúng (nhu cầu của nhóm này đẩy giá cổ phiếu tăng lên). Chuyển động tăng giá sẽ tiếp tục cho đến khi người mua và người bán thấy rằng giá đã đạt đến một mức đáng chú ý; theo đó người mua thấy tốt hơn nên đóng vị thế (chốt lãi) và người bán sẽ nhìn thấy lúc này nên bắt đầu bán khống.
Thị trường lúc này đã vào pha phân phối. Mức kháng cự (hay mức trần) của thị trường sẽ được hình thành và người ta cho rằng các tay chơi lớn đang hoàn tất quá trình phân phối (tức bán cổ phiếu mà họ đã mua trước đó). Những người mua tham lam cuối cùng tham gia vào công cuộc mua, đồng thời những tay chơi lớn có nhiều thông tin tham gia vào công cuộc bán. Khi họ đánh giá con đường ít kháng cự nhất giờ đây là giảm giá, giá sẽ bắt đầu đi vào pha giảm giá.
Nếu họ thấy cầu vẫn hiện diện và chưa thấy dấu hiệu từ bỏ, giá kháng cự lại việc giảm xuống, thì khi đó chỉ còn một con đường duy nhất: tăng giá. Nếu giá tiếp tục tăng sau một giai đoạn tạm ngừng, thì cấu trúc này được xác định là pha tái tích lũy (Reaccumulation). Điều tương tự cũng đúng với trường hợp giảm giá: nếu giá đang ở trong xu hướng giảm và có một đợt hồi phục tạm thời trước khi tiếp tục giảm, thì chuyển động giằng co đó sẽ định hình nên pha tái phân phối (Redistribution).
Trong quá trình giảm giá, cung của người bán sẽ mạnh mẽ hơn so với cầu của người mua, vì thế chỉ có thể kỳ vọng giá giảm xuống. Việc xác định giá đang ở giai đoạn nào của chu kỳ giá là một lợi thế to lớn. Biết được bối cảnh thị trường chung giúp chúng ta tránh được việc đứng sai vị trí trên thị trường.
Điều này có nghĩa nếu thị trường đang ở pha tăng giá sau cấu trúc tích lũy, chúng ta cần tránh việc bán khống và nếu thị trường đang ở trong pha giảm giá sau phân phối, chúng ta sẽ tránh việc mua. Có thể bạn không biết cách tận dụng xu hướng, nhưng chí ít với kiến thức này trong đầu, bạn chắc chắn sẽ tránh được thua lỗ bằng cách không giao dich ngược xu hướng chính.
Khi giá đang ở pha tích lũy hoặc xu hướng tăng, ta chỉ nên ở trong vị thế mua, và khi giá ở pha phân phối hoặc xu hướng giảm, chỉ nên thực hiện vị thế bán. Khi xu hướng không rõ ràng, tức không có chiến lược phân phối hoặc tích lũy, tốt nhất nên ở vị thế trung lập. Một chu kỳ được xem là hoàn tất khi tất cả các giai đoạn của chu kỳ đều xuất hiện: tích lũy ( accumulation ); xu hướng tăng ( uptrend ), phân phối (distribution), và xu hướng giảm (downtrend). Chu kỳ hoàn chỉnh này xảy ra ở nhiều khung thời gian.
Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải phân tích ở mọi khung thời gian, vì mỗi khung thời gian có thể ở những giai đoạn khác nhau. Điều cần thiết là quan sát bối cảnh thị trường theo quan điểm này để có thể tiến hành phân tích nó chính xác. Một khi bạn học được cách nhận diện chính xác bốn pha giá và đứng trên quan điểm hoàn toàn vô tư, khách quan, tránh xa các tin tức, tin đồn, ý kiến và thiên kiến của chính bạn, thì hoạt động giao dịch của bạn sẽ tương đối dễ dàng hơn.
Kết luận
Phương pháp Wyckoff là một công cụ phân tích thị trường hiệu quả giúp nhà đầu tư xác định xu hướng giá, điểm vào và điểm ra hợp lý. Phương pháp này dựa trên việc phân tích các sóng giá và chu kỳ giá, từ đó giúp nhà đầu tư hiểu rõ bối cảnh thị trường và đưa ra quyết định giao dịch sáng suốt.