Bật mí về đầu tư theo phương pháp Wyckoff. Phương pháp của Wyckoff dựa trên 3 quy luật cơ bản có tác động lớn đến việc xác định xu hướng hiện tại của thị trường và cổ phiếu riêng lẻ; sau đó chọn những cổ phiếu tốt nhất để giao dịch; xác định khả năng của một cổ phiếu sắp break khỏi nền và dự báo mức giá mục tiêu khi mà cổ phiểu break khỏi nền. Những quy luật này được sử dụng để phân tích bất cứ đồ thị và lựa chọn bất cứ cổ phiếu nào để giao dịch.
Giới thiệu về Wyckoff.
Richard Demille Wyckoff (1873–1934) là một người tiên phong trong việc sử dụng phân tích kỹ thuật trong những năm đầu của thế kỷ 20 để nghiên cứu thị trường chứng khoán. Ông được coi là một trong 5 người khổng lồ về lĩnh vực phân tích kỹ thuật, cùng với Dow, Gann, Elliott, và Merrill.
Ở tuổi 15, Ông bắt đầu làm việc cho một công ty môi giới chứng khoán ở New York, sau đó Ông mở công ty của riêng mình khi mới 20 tuổi. Ông cũng là người sáng lập của tạp chí phố Wall và chịu trách nhiệm là người biên tập ở đó trong 20 năm.
Dựa vào những kiến thức và kinh nghiệm của mình. Ông tự xây dựng một phương pháp giao dịch cho riêng mình. Phương pháp này tập trung vào tìm kiếm các dấu hiệu xác nhận sự tham gia của Smart money dựa trên thông tin về giá đóng cửa, biên độ giá và khối lượng (tên gọi khác là VSA).
Sau khi xác định được các dấu hiệu mà smart money để lại, ông tiến hành giao dịch hài hòa với Smart money chứ không giao dịch ngược lại với họ. Ông không quan tâm đến phân tích cơ bản bởi vì theo Ông thông tin về lợi nhuận doanh nghiệp và các thông tin cơ bản khác thực sự là rất khó để tiếp cận và không chính xác nếu sử dụng để phân tích. Hơn nữa, các thông tin này thường đã phản ánh vào giá khi nó đã được công khai cho công chúng.
Sử dụng phương pháp này bạn có thể đầu tư vào cổ phiếu bằng cách tận dụng các dấu hiệu của smart money và giao dịch hài hòa với họ thay vì làm ngược lại họ. Để đạt được đến một trình độ nhất định khi sử dụng phương pháp này, đòi hỏi bạn phải thực hành rất nhiều nhưng nó xứng đáng với sự nỗ lực của bạn.
Hai quy tắc quan trọng của Wyckoff.
Quy tắc số 1 của phương pháp Wyckoff.
Đừng mong chờ thị trường vận động theo cùng một cách giống nhau hai lần. Thị trường là một nghệ sĩ, nó không phải máy tính. Nó có những hình mẫu về hành vi cơ bản nhưng nó thường xuyên được điều chỉnh, kết hợp và thay đổi tùy vào tình huống và trường hợp cụ thể. Thị trường là một thực thể có cách vận động riêng của nó.
Chúng ta không thể mong đợi các mẫu hình giống hệt nhau lặp lại theo thời gian. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện các mẫu hình có hành vi tương tự mà bạn có thể kiếm được lợi nhuận khi vận dụng nó đúng cách.
Quy tắc số 2 của phương pháp Wyckoff.
Hành vi của thị trường ngày hôm nay chỉ có ý nghĩa khi nó được so sánh với những gì nó đã làm hôm qua, tuần trước, tháng trước, thậm chí năm trước. Không thể dự đoán trước một cách chính xác bởi vì thị trường luôn luôn thay đổi. Tất cả mọi hành động thị trường làm ngày hôm nay phải được so sánh với những gì nó đã làm trong quá khứ.
Khái niệm Smart money theo phương pháp Wyckoff.
Bất kỳ doanh nghiệp nào làm ăn tốt và có mức tăng trưởng tốt đều xuất hiện smart money đầu tư vào. Chúng tôi thấy smart money xuất hiện ở tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Ví dụ như kim cương, đồ cổ, xe hơi và rượu. Tất cả smart money này đều có mục đích chung: đó là họ cần tạo ra lợi nhuận từ chênh lệch giá để tồn tại.
Thị trường tài chính cũng vậy, đều có sự tham gia của smart money. Họ hoạt động rất tích cực trong thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Vậy smart money bản chất là gì? Vâng, smart money là một nhóm các nhà đầu tư, các nhân hoặc một tổ chức thực hiện việc mua vào một lượng cổ phiếu nào đó sau đó đẩy giá lên và phân phối lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ mức mức giá cao hơn và thu về lợi nhuận.
Điều quan trọng bạn phải hiểu rằng họ không hề kiểm soát thị trường. Họ thích nghi với các điều kiện của thị trường và tận dụng cơ hội đến với họ. Khi xuất hiện các các cơ hội của thị trường như sự hoảng loạn – chính là thời điểm smart money thấy mức giá đủ hấp dẫn và họ bắt đầu mua vào và bán ra qua hành động thao túng giá, nhưng họ chỉ có thể làm như vậy nếu điều kiện thị trường cho phép. Do đó, bạn không thể nói rằng smart money kiểm soát thị trường. Không một ai có thể kiểm soát thị trường trong bất cứ thời điểm nào.
Wyckoff khuyên các nhà đầu tư nhỏ lẻ hãy cố gắng hiểu và chơi theo trò chơi mà Smart money đang chơi.
Việc mua gom một lượng lớn cổ phiếu ở vùng giá thấp là mục tiêu tiên quyết đối với Smart money. Giai đoạn họ mua gom cổ phiếu được gọi là giai đoạn tích lũy. Trong quá trình tích lũy rất có thể sẽ xảy ra sự cạnh tranh mua gom cổ phiếu giữa các nhóm smart money khác nhau đối với các cổ phiếu tăng trưởng. Việc tiến hành mua gom một cách bí mật rất quan trọng. Sự mua gom cổ phiếu của những nhóm smart money này chính là mục tiêu nghiên cứu trong phương pháp của Wyckoff.
Ông ấy học được cách quan sát các vận động của giá để tìm ra dấu vết của smart money trên biểu đồ giá. Hành động mua của smart money có thể khó để biết nhưng chắc chắn họ sẽ để lại vết chân trên biểu đồ. Họ không thể che hết dấu vết đối với các nhà giao dịch theo phương pháp của Wyckoff, những người có thể phát hiện ra các tín hiệu trong các thanh nến và qua khối lượng giao dịch. Có rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới không biết điều này, họ nằm trong số những nhà đầu tư thua lỗ (khoảng 95%).
Dựa trên những năm quan sát hoạt động giao dịch của Smart money, Wyckoff phát hiện ra rằng:
– Smart money họ lên kế hoạch một cách cẩn thận sau đó thực hiện kế hoạch và kết thúc quá trình của họ đã vạch ra.
– Smart money tìm cách thu hút đám đông các nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu mà họ đã mua một số lượng lớn trước đó bằng cách thực hiện các lệnh giao dịch mua bán với khối lượng lớn và họ tìm cách đưa các thông tin tốt về cổ phiếu trên các phương tiện truyền thông.
– Bạn cần nghiên cứu kỹ biểu đồ giá để tìm ra hành vi giá và động cơ thực sự của smart money, những người đang thao túng nó.
– Bằng việc bỏ thời gian nghiên cứu và thực hành, bạn có thể đọc được hành vi của smart money ẩn chứa đằng sau sự vận động của giá. Nếu làm được điều đó, bạn sẽ có cơ hội rất lớn để kiếm về lợi nhuận bằng cách giao dịch hài hòa với smart money.
Khái niệm vùng giao dịch sideway (TR).
Mục tiêu của phương pháp Wyckoff là tìm cách xác định thời điểm tham gia thị trường ở vị thế bán hoặc mua bằng cách dự đoán xu hướng vận động của giá trong tương lai.
Trading ranges (TRs) là nơi mà xu hướng trước đó (uptrend hoặc downtrend) đã dừng lại và có sự cân bằng tương đối giữa Cung – Cầu (Giai đoạn sideway). Trong giai đoạn này, Smart money họ đang chuẩn bị cho động thái tăng/hoặc giảm tiếp theo khi họ tích lũy lại hoặc tiếp tục phân phối. Trong cả trường hợp tích lũy hoặc phân phối, smart money đều đang tích cực mua và bán, sự khác biệt là trong giai đoạn tích lũy thì họ mua nhiều hơn bán, trong khi ở giai đoạn phân phối thì họ bán nhiều hơn mua. Mức độ tích lũy hoặc phân phối xác định khả năng vận động tiếp theo khi kết thúc giai đoạn sideway (TR).
Hiểu được bản chất của hành vi giá trong từng giai đoạn là mục tiêu bạn cần phải đạt được. Chúng ta cần phải học cách đưa ra đánh giá về vị thế hiện tại và dự đoán xu hướng tiếp theo của cổ phiếu. Nhiệm vụ của bạn là làm sao tối đa hóa lợi nhuận và giảm tối đa rủi ro. Ngoài ra bạn cũng sẽ học cách lựa chọn cổ phiếu tốt nhất từ danh mục các cổ phiếu tiềm năng. Cổ phiếu sẵn sàng cho một xu hướng dài nhất và xa nhất là cổ phiếu mà bạn sẽ chọn.
Chu kỳ thị trường theo phương pháp Wyckoff.
Thị trường chứng khoán là một cái gì đó rất bí ẩn. Đôi khi nó vận động một cách rất dễ đoán, chẳng hạn như khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận cao cùng với nền kinh tế ổn định thì giá cổ phiếu tăng. Ngược lại, giá cổ phiếu thường sẽ giảm khi công ty có kết quả kinh doanh không thuận lợi hoặc nền kinh tế tiêu cực. Nhưng thỉnh thoảng, sự vận động của thị trường lại không có liên quan đến các tin tức thậm chí với cả nền kinh tế và chẳng theo một logic nào cả.
Chu kỳ kinh doanh của một doanh nghiệp là hiện tượng lặp đi lặp lại liên tục theo thời gian, nó thường xen kẽ giữa các đợt suy thoái và tăng trưởng sau mỗi 4 đến 6 năm. Tính chu kỳ này dường như trùng khớp với những giai đoạn thị trường uptrend hoặc downtrend của giá cổ phiếu.
Thị trường có xu hướng uptrend khi nền kinh tế tăng trưởng và có xu hướng downtrend khi nền kinh tế trì trệ hoặc suy thoái. Chu kỳ kinh doanh vận động tương đồng với thị trường chứng khoán, chúng có mối tương quan với nhau.
Nhưng khi kiểm tra kỹ hơn chúng ta sẽ thấy chu kỳ của thị trường chứng khoán thường xuất phát trước chu kỳ của nền kinh tế hoặc chu kỳ tăng trưởng của doanh nghiệp, thường là từ 6 đến 9 tháng trở lên. Điều này có nghĩa là khi bắt đầu một thị trường chứng khoán uptrend thì nền kinh tế vẫn chưa thực sự tích cực.
Tức là giá cổ phiếu sau một giai đoạn downtrend đã bắt đầu ngừng giảm, một số cổ phiếu tăng trở lại trong khi kết quả kinh doanh và nền kinh tế vẫn chưa thực sự khởi sắc. Tâm trạng chung của các nhà đầu tư ở thời điểm đó là chán nản, tất cả đều tràn ngập không khí u ám và tuyệt vọng. Ở giai đoạn cuối của thị trường downtrend sự bi quan xuất hiện ở khắp mọi nơi. Có một câu nói nổi tiếng là: Thị trường chứng khoán là nơi duy nhất mà chiết khấu 50% vẫn không ai mua.
Ở giai đoạn cuối của quá trình downtrend giá cổ phiếu và chỉ số thị trường tiếp tục giảm mạnh nhất là ở các nhóm cổ phiếu tốt nhất, sự hoảng loạn bao chùm toàn thị trường. Điều này đặt ra sự nghịch lý cho các nhà đầu tư, tức là họ thấy giá đủ hấp dẫn nhưng không đủ niềm tin để mua.
Sẽ cần từ 6-9 tháng kể từ khi thị trường chứng khoán ngừng giảm (vận động sideway ở vùng đáy, hay nói cách khác là tích lũy) để nền kinh tế bắt đầu cho tín hiệu tích cực. Tức là sẽ cần khoảng 6 tháng để cho các nhà kinh tế đủ dữ liệu để khẳng định rằng sự suy thoái đã chấm dứt và đang dần hồi phục. Nếu một nhà đầu tư chờ đợi đến khi các thông tin chấm dứt suy thoái được công bố thì cổ phiếu đã tăng hơn 1 năm đặc biệt là các cổ phiếu tăng trưởng.
Ở cuối một thị trường uptrend dài hạn, mọi thứ vận động ngược lại. Giá cổ phiếu và chỉ số thị trường bắt đầu giảm. Sự giảm giá này xuất hiện khi các tín hiệu về nền kinh tế vẫn chưa tiêu cực. Trong khi đó các nhà phân tích vẫn đang hô hào mua vào và họ rất lạc quan về nền kinh tế.
Đặc tính của điều kiện kinh tế thị trường chứng khoán thường được họi là “Cơ chế chiết khấu”. Giá cổ phiếu của một công ty thường có một xu hướng nào đó kéo dài trong khoảng 1 năm trở lên trước khi xuất hiện các tín hiệu thay đổi về điều kiện kinh doanh của công ty. Nhưng đa số nhà đầu tư thường quan tâm quá mức đến các chỉ số chậm chạm của hoạt động kinh doanh (chờ ra báo cáo tài chính tốt mới mua); lợi nhuận của doanh nghiệp, doanh thu tăng,… có khả năng là bất kỳ nhà đầu tư nào chọn cách đầu tư theo những thông tin này sẽ ngạc nhiên vì đôi khi thị trường sẽ thay đổi xu hướng từ uptrend sang downtrend khi những tin tốt này xuất hiện.
Xu hướng giá cổ phiếu thường phản ứng trước khi xuất hiện các tín hiệu rõ ràng về nền kinh tế hoặc báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp…. Wyckoff đã dành cả đời mình để tìm hiểu lý do giá cổ phiếu tăng lên hay giảm xuống. Ông nghĩ ra một phương pháp phân tích chỉ phụ thuộc vào hành động của giá. Phương pháp này được gọi là kỹ năng đọc biểu đồ giá. Ông hiểu giá cổ phiếu là thông tin quan trọng cuối cùng trên biểu đồ giá (trước đó là khối lượng). Những người theo phương pháp của Wyckoff có thể dự đoán chính xác xu hướng vận động trong tương lai của giá dựa trên các thông tin về hành động giá để họ đưa ra quyết định giao dịch hoặc đầu tư phù hợp.
Có 4 giai đoạn tạo nên chu kỳ thị trường chứng khoán: Tích lũy, uptrend, phân phối và cuối cùng là downtrend. Trong mỗi giai đoạn giá cổ phiếu sẽ vận động theo đặc trưng riêng. Những người sử dụng phương pháp của Wyckoff họ có kỹ năng để phân biệt các giai đoạn vì vậy họ sẽ biết khi nào tham gia và khi nào không.
Ba quy luật quan trọng của phương pháp Wyckoff.
Phương pháp của Wyckoff dựa trên 3 quy luật cơ bản có tác động lớn đến việc xác định xu hướng hiện tại của thị trường và cổ phiếu riêng lẻ; sau đó chọn những cổ phiếu tốt nhất để giao dịch; xác định khả năng của một cổ phiếu sắp break khỏi nền và dự báo mức giá mục tiêu khi mà cổ phiểu break khỏi nền. Những quy luật này được sử dụng để phân tích bất cứ đồ thị và lựa chọn bất cứ cổ phiếu nào để giao dịch.
Quy luật Cung – Cầu xác định xu hướng vận động của giá.
Quy luật này là nội dung chính của phương pháp mà Wyckoff sử dụng đề giao dịch và đầu tư. Khi Cầu lớn hơn Cung, giá sẽ tăng; Khi Cung lớn hơn Cầu, giá sẽ giảm. Bạn có thể nghiên cứu sự mất cân đối giữa Cung – Cầu bằng cách so sánh Giá và khối lượng.
Cách phân tích Cung – Cầu dựa trên các biều đồ giá bằng cách quan sát giá đóng cửa, biên độ giá và khối lượng là nội dung chính trong phương pháp của Wyckoff.
Ví dụ, một thanh nến tăng có biên độ rộng kèm theo khối lượng lớn hơn mức trung bình có nghĩa là xuất hiện lực Cầu lớn hơn Cung. Ngược lại, một thanh nến giảm có biên độ rộng kèm khối lượng lớn nghĩa là Lực Cung lớn hơn Cầu. Những ví dụ đơn giản này cho thấy sự tinh tế trong các phân tích của Wyckoff.
Khi bạn có thể phát hiện và hiểu rõ các tín hiệu trong phương pháp của Wyckoff ở các giai đoạn khác nhau sẽ giúp bạn xác định được thời điểm giá chuẩn bị chuyển qua giai đoạn uptrend hoặc giai đoạn downtrend dự trên sự phân tích chính xác về Cung – Cầu.
Sử dụng quy luật nguyên nhân – kết quả.
Quy luật này giúp bạn dự đoán mức giá kỳ vọng bằng cách xác định mức độ tiềm năng của một xu hướng đang hình thành từ nền tích lũy hoặc phân phối (Tăng khỏi nền hoặc giảm khỏi nền). Quy luật này có thể được xem là quá trình tích lũy hay phân phối ở nền giá và cách mà giá sẽ vận động sau khi kết thúc quá trình này (Tăng lên nếu là tích lũy và giảm nếu là phân phối).
Lưu ý: Theo kinh nghiệm của tôi thì bất cứ cổ phiếu nào có mức tăng giá đủ tốt đều có thời gian tích lũy tối thiểu là 1-2 tháng; Các cổ phiếu có nền tích lũy càng dài thì mức lợi nhuận đem lại trong uptrend sẽ càng cao. Có một số trường hợp cổ phiếu vẫn tăng khoảng 20-30% nhưng thời gian tích lũy lại rất ngắn (khoảng 1-2 tuần) thì giá cũng chỉ có thể tăng trong ngắn hạn và giảm trở lại rất nhanh.
Quy luật nỗ lực và kết quả theo phương pháp Wyckoff.
(Ví dụ nỗ lực đẩy giá – Kết quả giá có tăng không; hoặc nỗ lực đạp giá – kết quả giá có giảm không)
Quy luật này cung cấp một cảnh báo sớm về một sự thay đổi xu hướng có thể xảy ra trong tương lai gần. Sự phân kỳ giữa giá và khối lượng thường cho thấy sự thay đổi theo xu hướng giá.
Trong quy luật này khối lượng đại diện cho nỗ lực; sự biến động của giá đại diện cho kết quả.
Ví dụ: khi có khối lượng giao dịch tăng cao (nỗ lực lớn) nhưng biên độ giá lại hẹp sau một quá trình tăng giá mạnh và giá đóng cửa không tạo ra một mức cao mới (nỗ lực đẩy giá không có kết quả), điều này cho thấy smart money đang bán ra cổ phiểu mà họ nắm giữ, điều này có thể sẽ dẫn đến việc thay đổi xu hướng tăng trong thời gian tới.
Ví dụ minh họa về 3 quy luật.
Quy luật số 1 và số 3 của Wyckoff là Cung – Cầu; Nỗ lực – Hệ quả thể hiện cách tiếp cận chính trong phương pháp của Wyckoff. Tất cả các phương pháp phân tích kỹ thuật hay cơ bản về cổ phiếu đều thừa nhận quy luật Cung – Cầu như sau:
– Khi cầu vượt quá Cung thì sẽ sẽ tăng, giá tăng đến khi nào Cầu giảm hoặc Cung tăng để tạo ra một mức cân bằng Cung – Cầu mới (Nền giá mới cao hơn).
– Ngược lại khi Cung lớn hơn cầu, giá sẽ giảm. giá giảm đến khi nào Cung giảm hoặc cầu tăng để tạo ra một vùng cân bằng mới (Nền giá thấp hơn).
Quy luật thứ 2 của Wyckoff (nguyên nhân và kết quả) liên quan đến việc xác định vùng phân kỳ hoặc hội tụ của giá và khối lượng để dự đoán xu hướng vận động tiếp theo của giá.
Các bạn sẽ trở thành bậc thầy trong giao dịch theo phương pháp của Wyckoff bằng cách phát triển các kiến thức trực quan về các quy luật trong việc đọc biểu đồ. Điều này trở thành nền tảng của kỹ năng đọc biểu đồ. Thông qua việc hiểu những quy luật này, bạn có sự hiểu biết về bản chất của sự vận động giá cổ phiếu. Và bạn sẽ thành công khi chọn được ra các cổ phiếu hàng đầu để bắt đầu kế hoạch giao dịch của mình. Đây là công việc lặp đi lặp lại trong suốt thời gian bạn tham gia thị trường.
Trong phương pháp của Wycokff mọi sự vận động đều có lý do của nó. Mọi thứ được sử dụng trong phương pháp này đều dựa trên 3 quy luật trên. Theo thời gian các kỹ năng của smart money đã được cải thiện và có thay đổi. Vì vậy bạn nên luyện tập thành thạo các quy luật này bằng cách thực hành trên các biểu đồ cụ thể. Ở phần này chúng ta sẽ nghiên cứu một số ví dụ cụ thể.
Ví dụ:
Khi khối lượng (nỗ lực) và giá (kết quả) cả hai đều tăng đáng kể, điều này thể hiện sự hài hòa giữa Nỗ lực và Kết quả tức là giá sẽ có khả năng tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, trọng một số trường hợp khối lượng có thể tăng rất cao nhưng giá lại không tăng tương xứng (biên độ giá hẹp). Nếu hiện tượng này xuất hiện trong giai đoạn tích lũy thì nó thể hiện rằng phần lớn lượng Cung đã được smart money hấp thụ và đây là tín hiệu tăng giá sắp tới.
Ngược lại, nếu những phiên có biên độ giá hẹp kèm theo khối lượng cao đột biến xuất hiện ở giai đoạn phân phối, điều này thể hiện rằng nổ lực tăng giá thất bại do xuất hiện lượng Cung lớn từ smart money.
Một vài đánh giá trên đồ thị ngày của cổ phiếu AAPL dưới đây minh họa cho quy luật số 3 nổ lực và kết quả.
- AAAPL theo phương pháp Wyckoff
Trong biểu đồ này, chúng ta có thể quan sát nguyên tắc thứ 3 trong 3 lần giá suy giảm (được đánh dấu trên biểu đồ).
Trong lần đầu tiên, giá giảm mạnh ở những thanh downbar có biên độ rộng kèm khối lượng lớn. Điều này cho thấy sự hài hòa giữa nỗ lực và kết quả.
Ở lần thứ 2, giá giảm một mức tương tự như lần 1 nhưng biên độ giá và khối lượng ở lần giảm thứ 2 đã ít hơn lần 1. Điều này cho thấy nguồn cung đã giảm, tức là ít nhất khả năng sẽ xảy ra những phiên hồi phục ngắn hạn.
Trong lần thứ 3: mức giá điểu chỉnh giảm ít hơn nhưng khối lượng giao dịch tăng. Nói cách khác đây là tín hiệu sự không tương xứng giữa nỗ lực và kết quả (Nỗ lực giảm giá nhưng kết quả giá lại không giảm tương xứng), điều này cho thấy sự xuất hiện một lực Cầu lớn hấp thụ nguồn cung. Điều này là tín hiệu khả năng tăng giá trong những phiên tiếp theo.
Dưới đây chúng ta sẽ nghiên cứu biểu đồ theo khung thời gian tuần để phân tích cách các quy luật này vận động.
- AAPL Wyckoff week
Trên biểu đồ chúng ta thấy khi cung vượt cầu, giá giảm và kênh xu hướng giảm trong hộp màu đỏ. Đây là lúc cổ phiếu nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong hộp màu vàng là vùng vận động sideway, ở đó cung cầu cân bằng. Chúng ta sẽ tìm dấu chân của smart money ở trong giai đoạn giá vận động sideway này để xác định xem đây là giai đoạn tích lũy hay phân phối. Nếu trong giai đoạn này xuất hiện sự hấp thụ cổ phiếu thì đây là giai đoạn tích lũy.
Khi sự tích lũy hoàn thiện tức là bắt đầu xuất hiện sự mất cân bằng giữa cung và cầu theo hướng cung cạn dần và cầu tăng. Tại đây, thậm chí một sự gia tăng nhẹ của cầu cũng có thể khiến cho giá Break thoát khỏi hộp màu vàng và tiến vào hộp màu xanh.
Sự mất cân bằng giữa cung và cầu tạo ra tiềm năng cho một xu hướng mới sau đó. Ở đây quy luật nỗ lực và kết quả được thể hiện thông qua khối lượng và biên độ giá. Hãy để ý ở đầu của hộp màu vàng, khối lượng tăng khi giá giảm dẫn đến giá giảm với biên độ rộng. Tại đây chúng ta thấy nỗ lực thông qua khối lượng lớn khiến giá giảm mạnh. Tức là có sự hài hòa giữa nỗ lực và kết quả.
Khi Nỗ lực nhưng kết quả thu được không tương ứng khiến xu hướng hiện tại sắp dừng lại. Trường hợp này xuất hiện ở cuối hộp màu đỏ khi nỗ lực lớn (khối lượng lớn) ở chiều giảm nhưng không làm cho giá giảm tương ứng (biên độ giá thu hẹp). Lúc này nỗ lực không tương xứng với kết quả. Hay nói cách khác nỗ lực giảm giá không đem lại kết quả.
Trên biểu đồ chúng ta thấy xuất hiện 3 tuần giá giảm xuống mức thấp nhất ở tháng 11/2008. Mỗi tuần có khối lượng cao nhưng ta thấy biên độ giảm lại thu hẹp dần so với tháng 10/2008. Đây là một hành động nỗ lực giảm giá nhưng không đem lại nhiều hiệu quả so với nỗ lực bỏ ra. Một lần nữa chúng ta thấy ở đây nỗ lực và kết quả không tương xứng với nhau. Đây là bằng chứng sớm cho thấy xu hướng giảm sẽ dừng lại.
Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang xu hướng tăng ở hộp màu xanh. Hãy để ý đến nỗ lực tăng giá thông qua cột khối lượng. Ở thời điểm giá breakout khỏi nền tích lũy, xuất hiện các thanh nến tăng với biên động rộng tạo nên các mức giá mới cao hơn trong mỗi tuần. Chúng ta thấy có một nghịch lý ở đây là khối lượng giảm dần ở các thanh nến tăng. Điều này ngược lại với suy nghĩ thông thường rằng giá sẽ tăng kèm theo khối lượng lớn.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh này cổ phiếu đã được hấp thụ hết bởi smart money trong giai đoạn tích lũy vì vậy lượng cung còn lại rất ít. Điều này dẫn đến không cần quá nhiều nỗ lực để đẩy giá cũng làm cho giá tăng rất mạnh. Đây là tín hiệu đầu tiên của một xu hướng uptrend sau đó. Ngược lại chúng ta thấy khối lượng trong tháng 5/2009 khi giá tăng sau một giai đoạn thì ta thấy nỗ lực lớn dần nhưng kết quả là biên độ giá lại hẹp dần, đây là dấu hiệu của việc xuất hiện lực cầu bán ra. Đây là thời điểm nỗ lực và kết quả không tương xứng với nhau. Đây có thể là dấu hiệu đợt tăng sắp dừng lại. Nỗ lực và kết quả là một khái niệm được áp dụng cho các biểu đồ theo khung thời gian ngày, tuần, tháng.