Phương pháp Wyckoff là gì? Những cách để áp dụng Wyckoff trong giao dịch Crypto. Phương pháp Wyckoff không đơn thuần là một mô hình giá hay một chỉ báo kỹ thuật. Nó được xây dựng và phát triển với những lý thuyết riêng để trở thành một trường phái giao dịch. Phương pháp này hiện đang thu hút sự chú ý trong cộng đồng giao dịch Crypto nói riêng tại Việt Nam.

Phương pháp Wyckoff là gì? Những cách áp dụng Wyckoff trong giao dịch Crypto

Phương pháp Wyckoff là gì? Những cách áp dụng Wyckoff trong giao dịch Crypto

Phương pháp Wyckoff là gì?

Phương pháp Wyckoff là một tập hợp các quy tắc hành động và các mô hình giải thích sự vận động của đường giá nhằm đưa ra lựa chọn và dự đoán tối ưu nhất để người giao dịch có được kế hoạch giao dịch giảm thiểu rủi ro một cách tối đa.

Phương pháp này được đặt tên theo tên người sáng lập ra nó là Richard Demille Wyckoff (1873 – 1934). Ban đầu, phương pháp Wyckoff được áp dụng chủ yếu trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Nhưng sau khi người sáng lập qua đời, nó vẫn tiếp tục được các thế hệ traders sau truyền dạy. Phương pháp này cũng bắt đầu được cộng đồng đầu tư Crypto chú ý trong hai năm gần đây.

Tâm thế cần có khi bắt đầu tìm hiểu phương pháp Wyckoff?

Phương pháp Wyckoff đòi hỏi người áp dụng phải nắm rõ những quy luật và những bước tiếp cận rất chi tiết. Với các chỉ báo kỹ thuật thông thường, người mới đôi khi có thể học một vài “chiêu thức” nào đó rồi đem ra thực hành và rút kinh nghiệm. Nhưng với Wyckoff thì không. Lý do là vì:

  • Wyckoff đòi hỏi người phân tích phải có khả năng “kể chuyện với dữ liệu giá”. Nghĩa là nắm rõ trong từng giai đoạn biến động thì hành vi giá đó có ý nghĩa gì. Thế nên, khi đọc sâu về lý thuyết Wyckoff, bạn sẽ thấy có nhiều mẫu chu kỳ và nhiều pha (phase).
  • Wyckoff đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn chờ đợi cơ hội dựa trên câu chuyện đã kể với dữ liệu giá. Wyckoff không dựa trên lý thuyết về cách tính trung bình như đa phần các phân tích kỹ thuật. Bạn sẽ thấy hầu như các chỉ báo kỹ thuật đều dựa trên cách tính trung bình và trình bày lại dữ liệu giá bằng giá trị trung bình tính được. Nhưng Wyckoff thì không.
  • Wyckoff đòi hỏi bạn phải quan sát trong tâm thế của một người đứng ngoài đám đông và nhìn thị trường với con mắt vô tư nhất. Thế nên, trong lý thuyết Wyckoff, hình ảnh “Composite Man” được nhấn mạnh ngụ ý thế lực đằng sau đang điều khiển thị trường để lấy tiền từ đám đông. Và bạn phải đứng ngoài đám đông để “bắt bài” thế lực đó.

Những đòi hỏi của phương pháp Wyckoff.Những đòi hỏi của phương pháp Wyckoff.

Chỉ cần đọc qua những đòi hỏi trên, đủ để chúng ta thấy phương pháp này hấp dẫn và độc đáo thế nào trong thế giới phân tích kỹ thuật. Có thể cũng vì thế mà cho đến nay, các khóa học cơ bản và nâng cao phương pháp Wyckoff vẫn được rất nhiều người quan tâm. Đừng lo lắng, bạn vẫn có thể tự học được bằng những bước cơ bản sau đây mà BeinCrypto sắp trình bày.

3 quy luật cơ bản của phương pháp Wyckoff trong giao dịch Crypto

Ngay trong lời mở đầu của giáo trình phương pháp Wyckoff bởi Wyckoff Associates, đã khẳng định rằng: “Đây là một phương pháp đánh giá thị trường bằng hành động của chính nó”. Và nếu như người giao dịch không thể đánh giá được thị trường thì thực ra anh ta chỉ đang tham gia một trò cờ bạc. Như vậy, phải đánh giá thị trường dựa trên những quy luật nào? Phương pháp Wyckoff đề ra 3 quy luật như sau:

#1. Luật tương tác cung và cầu

Quy luật này không hề mới mẻ gì nhưng đó là nền tảng cho biến động tăng giảm giá của mọi tài sản. “Cung” thể hiện lực bán thì “Cầu” thể hiện lực mua. Bên nào mạnh mẽ hơn thì thị trường sẽ chịu sự áp đảo của lực đó trong một giai đoạn.

  • Thị trường đang xu hướng tăng khi cầu lớn hơn cung.
  • Thị trường đang trong xu hướng giảm khi cung lớn hơn cầu.

Mục tiêu của quy luật này là để người giao dịch xác định mình đang ở trong xu hướng nào của thị trường. Để từ đó, lựa chọn bên cho hợp lý khi quản trị rủi ro.

#2. Luật nguyên nhân dẫn đến hệ quả

Nếu luật cung cầu là để xác định xu hướng chính thì luật nguyên nhân hệ quả để giúp liên kết giữa các giai đoạn xu hướng với nhau. Luật cung cầu để trả lời câu hỏi “thị trường trong giai đoạn nào?” thì luật nguyên nhân hệ quả giúp trả lời câu hỏi “vì sao thị trường lại trong giai đoạn đó?” đồng thời mở ra gợi ý cho câu hỏi “thị trường sắp bước vào giai đoạn nào?”.

#3. Luật động lực dẫn đến kết quả

Luật động lực dẫn đến kết quả là một sự bổ trợ đắc lực cho hai luật trên. Ngay cả khi bạn đã xác định và dự đoán tốt giai đoạn của thị trường, thì vẫn còn một vấn đề nữa cần phải trả lời. Đó là, thị trường có đủ động lực để dẫn đến dự đoán đó thành công hay không. “Động lực” ở đây thông thường là sự đo lường về khối lượng giao dịch. Do đó, luật thứ ba này thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của khối lượng giao dịch tại thời điểm chuyển biến giữa các giai đoạn với nhau.

Chu kỳ giá Wyckoff và “Composite Man”

Bạn có thể nhìn thấy 3 quy luật này vận hành để tạo nên một chu kỳ giá Wyckoff cơ bản, như hình sau:

  • Luật cung và cầu lý giải rằng, khi cầu lớn hơn cung, thị trường thoát ra khỏi vùng tích lũy trước đó (Accumulation Area) và đi lên. Ngược lại, cung lớn hơn cầu, thị trường thoát khỏi giai đoạn phân phối (Distribution Area) và đi xuống.
  • Luật nguyên nhân hệ quả lý giải rằng sau khi thị trường đã trải qua giai đoạn tích lũy đóng vai trò là nguyên nhân, thì sẽ khả năng sẽ dẫn đến giai đoạn phân phối đóng vai trò là hệ quả. Ở đây, Wyckoff cho rằng, “Composite Man” (thực thể điều khiển thị trường) đã tích lũy xong thì sẽ phân phối để kiếm lời.
  • Luật động lực dẫn đến kết quả lý giải rằng tại những thời điểm Mark up/Mark down là những thời điểm chuyển biến quan trọng cần có động lực phá vỡ những ranh giới giá quan trọng. Đánh giá được động lực này sẽ gia tăng xác suất dự đoán tương lai của đường giá.

Toàn bộ cơ sở lý thuyết trên đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư từ khi nó được Wyckoff công bố. Đến nay, bạn có thể thể thấy cơ sở lý thuyết này cũng được nhiều nhà đầu tư Crypto áp dụng để “kể chuyện dữ liệu giá” của Bitcoin. Trong đó, “Composite Man” thường được cá nhà đầu tư hiểu như là “cá voi Bitcoin”.

Cách tiếp cận phương pháp Wyckoff trong giao dịch Crypto

Dựa trên những quy luật đã nói ở trên, phương pháp Wyckoff đề ra 5 bước cơ bản để áp dụng trong thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong bài này, đối với thị trường Crypto nói riêng, BeinCrypto trình bày cụ thể cách tiếp cận bằng 4 bước.

Bước 1: Dựa trên luật cung và cầu, xác định xu hướng thị trường hiện tại và lựa chọn cặp giao dịch

Dù bạn lựa chọn cặp giao dịch nào trong thị trường Crypto thì trước tiên vẫn phải quan sát biến động của Bitcoin. Từ đó, quan sát biến động của Bitcoin Dominance để suy ra biến động của Altcoin nói chung. Rồi một lần nữa, phân tích Altcoin nào đó dựa trên những ràng buộc đã rút ra từ phân tích Bitcoin và Bitcoin Dominance. Thế nên, giải pháp an toàn nhất là giao dịch Bitcoin.

Hai lực lượng cung & cầu tạo nên xu hướng thị trường

Nếu chọn Altcoin có vốn hóa bé và khối lượng thấp thì việc tiếp cận bằng Wyckoff là không khả thi. Do đó, hãy cân nhắc thật kỹ phương pháp kỹ thuật bạn sử dụng cùng với việc quản lý vốn cho riêng Altcoin bất kỳ.

Ví dụ này lựa chọn Bitcoin làm đại diện, bước 1 sẽ chính xác hơn nếu bạn đảm bảo được các điều kiện sau.

  • Cũng như những phương pháp kỹ thuật khác, Wyckoff cũng tuân theo tính phân dạng. Cho nên, cần xác định đang quan sát cung và cầu trong khung giờ nào để tránh kỳ vọng quá gần hoặc quá xa. Ở đây, quan sát khung 3 ngày có thể xác định xu hướng trong nhiều tháng.
  • Cầu lớn hơn cung thì giá sẽ liên tục tạo đỉnh cao hơn/đáy cao hơn sau vài tuần. Cũng thế, cung lớn hơn cầu thì giá sẽ liên tục tạo đỉnh thấp hơn/đáy thấp hơn chỉ sau vài tuần. Người quan sát sẽ biết mình trong giai đoạn nào.

Bí quyết trong việc đo lường cung cầu này là cần liên tục Zoom in/Zoom out đồ thị để có cái nhìn toàn diện nhất. Tránh chăm chú vào khung giờ quá bé mà kết luận cả một xu hướng dài.

Bước 2: Dựa trên luật nguyên nhân và hệ quả, đi tìm nguyên nhân của hiện tại để dự đoán hệ quả

Trong góc nhìn Wyckoff, các giai đoạn không rời rạc và độc lập với nhau, mà chúng ràng buộc nhau bởi luật nguyên nhân và hệ quả.

Quan hệ nhân quả giúp giải thích và dự đoán tương lai giá

Lý thuyết Wyckoff cho rằng, giai đoạn phân phối sẽ là hệ quả của việc thị trường liên tục tăng mạnh. Lúc này, “composite man” sẽ chốt lời bằng cách tạo sự cân bằng cung cầu trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó sơ đồ phân phối hình thành. Sau khi đã phân phối xong, lực mua không còn, thị trường giảm mạnh. “composite man” sẽ mua lại với giá thấp hơn bằng cách lợi dụng chu trình tích lũy và sự sợ hãi của số đông.

Cứ thế, giai đoạn tích lũy lại đóng vai trò nguyên nhân để thị trường tăng giá và phân phối. Dựa trên quy luật này, người quan sát dự đoán được giai đoạn hệ quả tương lai của thị trường nếu xác định đúng nguyên nhân hiện tại.

Bước 3: Dựa trên luật động lực dẫn đến kết quả, tìm tín hiệu từ khối lượng giao dịch và sơ đồ Wyckoff

Sau khi đã nắm được hai quy luật tương ứng với hai bước nêu trên, vẫn còn một vấn đề quan trọng cần giải quyết. Đó là liệu có tín hiệu nào giúp xác nhận sự chuyển giao giữa các nguyên nhân và hệ quả hay không. Lúc này, luật động lực dẫn đến kết quả phát huy vai trò áp dụng.

Quan hệ nố lực & kết quả giúp dự đoán thời điểm chuyển giao giữa các giai đoạn.

Vì sao nên quan sát khối lượng để xác định nỗ lực của số đông?

  • Khối lượng đại diện cho mối quan tâm của số đông thị trường trong tình huống đó. Khối lượng đó sẽ được so sánh với quá khứ để xác định sự phân kỳ và sức mạnh. Cùng với mô hình nến, có thể xác định được bên trong khối lượng đó, bán nhiều hơn hay mua nhiều hơn.
  • Khi đã xác định được tín hiệu từ khối lượng, chúng ta mới có thêm cơ sở để dự đoán xác suất cao hơn giai đoạn hiện tại (ví dụ trên là giai đoạn phân phối) và dự đoán đường giá sắp tới (ví dụ trên là giá giảm).

Quan sát khối lượng không phải là tín hiệu duy nhất để thẩm định “nỗ lực”. Bài viết này chúng tôi chỉ dừng lại ở những kiến thức cơ bản nhất của Wyckoff mà thôi. Khi tìm tòi áp dụng, bạn hoàn toàn tự do trong việc sử dụng thêm các công cụ bổ trợ, miễn sao giúp bạn tăng độ chính xác để đánh giá “nỗ lực” của số đông.

Bước 4: Chờ đợi tín hiệu và chờ đợi dữ liệu giá mới xem có đúng như dự đoán hay không để chốt lời và cắt lỗ

Khi bạn đã nắm vững ba bước trên rồi, mà không vào lệnh thì cũng không thể kiếm được tiền. Lúc này, bạn cần xác định cơ hội nằm ở đâu và bạn chấp nhận mất bao nhiêu tiền cho cơ hội đó tùy vào số vốn mình quản lý.

Để xác định nhiều cơ hội nhất có thể, chúng ta cần thêm kiến thức mới từ lý thuyết Wyckoff. Đó là những sơ đồ Wyckoff cơ bản. Những sơ đồ này như những mô típ về các giai đoạn giá. Về bản chất thì sơ đồ Wyckoff cũng giống như mô hình giá, nhưng chúng mạnh mẽ hơn vì kể được câu chuyện dữ liệu giá chi tiết hơn.

Sơ đồ Wyckoff cơ bản để bắt đầu

Trong giới hạn kiến thức cơ bản của phương pháp Wyckoff, BeinCrypto chỉ giới thiệu hai sơ đồ chủ chốt nhất của Wyckoff. Một số sơ đồ khác như tái tích lũy, tái phân phối, chu trình lớn Wyckoff… bạn đọc có thể tìm hiểu thêm.

Không quá khó để nắm bắt nhanh hai sơ đồ Wyckoff sau đây, vì chúng cũng tuân theo quy luật đối xứng của đường giá. Cả hai đề trải qua 6 pha (phase) được gọi tên từ A đến E, và các thời điểm quan trọng được gọi tên bằng các chữ viết tắt.

#1. Sơ đồ tích lũy Wyckoff

Sơ đồ tích lũy thường xuất hiện sau khi thị trường đã trải qua giai đoạn phân phối và giảm mạnh.

Sơ đồ tích lũy Wyckoff

  • PS – preliminary support: (hỗ trợ sơ khởi). Đây là thời điểm đánh dấu khối lượng mua lần đầu tăng trở lại sau đà giảm trước đó. Tín hiệu khối lượng tăng trở lại đầu tiên như thế tạo nên hy vọng về việc đà giảm đã yếu dần.
  • SC – selling climax: (điểm bán cao trào). Dù lực bán đã có tín hiệu giảm nhưng chưa giảm hẳn. Giá vẫn thấp hơn trước, điều đó là gây một cơn panic cuối rũ bỏ những người sợ hãi cuối cùng. PS cùng với SC thường tạo nên các tín hiệu phân kỳ (giá thấp hơn nhưng chỉ báo cao hơn). Vai trò của SC là xác định vùng hỗ trợ của sơ đồ tích lũy Wyckoff.
  • AR – automatic rally: (phục hồi tự động). Đây là hành vi giá tất yếu kéo theo sau một đợt panic sell. Giá sẽ phục hồi vì lực bán đã không còn và tâm lý kích cầu đã xuất hiện. Vai trò của AR là xác định vùng kháng cự của sơ đồ tích lũy Wyckoff.
  • ST – secondary test: (kiểm lại hỗ trợ). Đây là hành vi giá re-test thường thấy. Nhưng lần kiểm lại hỗ trợ này được hậu thuẫn bởi lựa mua nhiều hơn. Nên giá đóng cửa sẽ thường cao hơn SC. Bước vào phase B, giá sẽ sideway quanh biên độ giữa AR và SC (hoặc ST).
  • Spring: (rủ bỏ). Hành vi giá này có thể có hoặc không có. Giá tại đây có thể thấp hơn SC hoặc ST một chút, khiến cho nhiều nhà đầu tư bị “đánh lừa” và đánh mất vị thế. Hành vi giá này tương tự một false breakout thường thấy tại hỗ trợ/kháng cự.
  • LPS – last point of support: (hỗ trợ cuối). LPS cùng với BU (back up) là những mức hỗ trợ mới trên đà phục hồi sau Spring. Khi giá đã chạy đến đây, thì khả năng xác nhận toàn bộ sơ đồ tích lũy rất cao. Người quan sát có cơ sở vững chắc để dự đoán SOS và đà tăng sắp đến.
  • SOS – sign of strength: (dấu hiệu sức mạnh). Giá không bức phá khỏi kháng cự của AR nhưng sẽ xuất hiện phản ứng tại vùng kháng cự này và kéo dài một thời gian. Cùng với đó là khối lượng tăng cao, thì SOS sẽ được xác nhận.

Cơ hội giao dịch sẽ thường là các điểm đánh dấu như ST, Spring, LPS, SOS.

#2. Sơ đồ phân phối Wyckoff

Sơ đồ phân phối xuất hiện sau khi thị trường đã trải qua giai đoạn tích lũy và tăng mạnh.

Sơ đồ phân phối Wyckoff

  • PSY – preliminary supply: (kháng cự sơ khởi). Đây là thời điểm đánh dấu khối lượng bán tăng mạnh, dự báo xu hướng tăng trước đó sẽ không còn vững vàng nữa.
  • BC – buying climax: (điểm mua cao trào). Dù vậy, giá vẫn tiếp diễn thêm một đoạn tăng ngắn nữa, ghi nhận tâm lý fomo của nhiều buyer non tay. BC cùng với PSY dễ tạo nên các tín hiệu phân kỳ. BC từ đây đóng vai trò vùng kháng cự của sơ đồ phân phối.
  • AR – automatic reaction: (phản ứng giá tự động). Hành vi chốt lời tất yếu kéo theo của những người mua trước khi giá chạm đến điểm mua cao trào. Từ đây, AR đóng vai trò xác định vùng hỗ trợ của sơ đồ phân phối.
  • ST – secondary test: (kiểm lại kháng cự). Quá trình phân phối có biểu hiện giá là sideway trong thời gian nhất định. Nên sẽ có những lần re-test kháng cự diễn ra. ST sẽ có giá đóng cửa thấp hơn BC, cho thấy lực bán liên tục mạnh hơn khi giá tiếp cận kháng cự.
  • UT – upthrust: (ủng hộ nhất thời). Đôi khi ST kích thích được lực mua của một số người giao dịch khiến cho giá thậm chí vượt qua cả BC. Nhưng đó chỉ là một sự ủng hộ nhất thời.
  • UTAD – upthrust after distribution: (sự ủng hộ cuối cùng) Trong pha cuối của quá trình phân phối, sẽ có sự đột phá vượt hơn cả UT và duy trì quanh vùng kháng cự một thời gian ngắn. Đây trở thành một cái bẫy khiến cho nhiều người giao dịch “đu đỉnh”. Sự đột phá này được tạo nên bởi tâm lý FOMO chủ quan của những người thiếu kiên nhẫn vì quá trình sideway.
  • LPSY – last point of supply: (điểm cung cuối). Lực cung bắt đầu mạnh thêm dần sau UTAD. Giá sẽ giảm liên tiếp tạo nên các kháng cự thấp hơn của BC và ST.
  • SOW – sign of weakness: (tín hiệu suy yếu). SOW vừa đóng vai trò xác định hỗ trợ và đồng thời cũng là tín hiệu xác nhận quá trình này là phân phối. SOW là khi giá thấp hơn AR cho thấy lực bán chiếm ưu thế. SOW duy trì quanh hỗ trợ càng lâu với khối lượng bán mạnh càng giúp tăng xác suất dự đoán quá trình giá giảm sau phân phối.

Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng tìm thấy những đường giá với đầy đủ các tiểu tiết nêu trên. Và điều đó cũng không phải là duy nhất quan trọng trong phương pháp Wyckoff. Những sơ đồ này cần được đặt trong dự đoán dựa trên 3 quy luật mà chúng tôi đã nói rất rõ ở phần trên. Sai lầm của nhiều traders “cuồng Wyckoff” là phớt lờ việc phân tích 3 quy luật, mà chỉ muốn tìm kiếm đường giá sao cho giống giống với các sơ đồ mà thôi.

Tạm kết

Tất cả những trình bày trên đây dù chỉ là bước đầu cơ bản để trở thành một Wyckoffian nhưng cũng đã khá đồ sộ so với những phương pháp khác. Do đó, Wyckoff dường như không phù hợp với người mới học cách tiếp cận thị trường. Nhưng phương pháp này có thể là một bước nhảy vọt về trình độ để nâng cao khả năng đọc vị thị trường. Nắm rõ nó, bạn có thể áp dụng cho mọi dạng tài sản và không quá bất ngờ trước những chu kỳ tăng giảm, và thản nhiên trước sự tham lam sợ hãi của đám đông.