Phương pháp Wyckoff: Cấu trúc tích lũy, mổ sẻ sự kiện Rũ bỏ (Shaking) bên trong cấu trúc. Phương pháp Wyckoff– Chính trong giai đoạn hình thành cấu trúc tích lũy, quá trình hấp thụ cuối cùng được diễn ra. Đây là lúc giá đã sẵn sàng cho việc đảo chiều đi lên.
Cấu trúc tích lũy
Khung giá tích lũy là một chuyển động giá giằng co đi ngang, trước đó có một chuyển động giảm giá được các tay chơi lớn hấp thụ với mục tiêu tích lũy cổ phiếu nhằm có thể bán với giá cao hơn rất nhiều trong tương lai và kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá đó.
Kiểm soát cổ phiếu
Trong suốt quá trình chuyển động giảm giá trước đó, người kiểm soát cổ phiếu chủ yếu là các tay chơi yếu. Để có thể làm thị trường đảo chiều, cổ phiếu cần được kiểm soát bởi các nhà giao dịch chuyên nghiệp, hay còn gọi là các tay chơi mạnh.
Khi giá giảm, cổ phiếu dần được trao tay; giá càng giảm sâu hơn, cổ phiếu càng được chuyển dần cho các tay chơi mạnh. Chính trong giai đoạn hình thành cấu trúc tích lũy, quá trình hấp thụ cuối cùng được diễn ra. Đây là lúc giá đã sẵn sàng cho việc đảo chiều đi lên.
Quy luật nguyên nhân và tác động
Khi thị trường di chuyển trong các khung giá, chúng ta sẽ nhìn thấy quy luật Nguyên nhân và Tác động hoạt động trong giao dịch. Quy luật cho chúng ta biết rằng để một tác động xuất hiện thì trước hết phải có nguyên nhân tạo ra nó, và tác động này sẽ diễn ra tỷ lệ thuận với nguyên nhân.
Trong trường hợp xuất hiện khung giá tích lũy, việc mua cổ phiếu (nguyên nhân) sẽ có tác động dẫn đến sóng tăng giá sau đó; và mức độ tăng của sóng sẽ có tỷ lệ thuận với thời gian giá, trải qua trong quá trình xây dựng nguyên nhân (hấp thụ cổ phiếu).
Chuẩn bị cho một sóng lớn sẽ mất rất nhiều thời gian. Một nhà giao dịch lớn không thể gom tất cả lượng cổ phiếu mình mong muốn trong một lúc, vì nếu anh ta thực hiện một lệnh mua với lượng mong muốn thì sẽ phải mua với giá khá cao, vì hiện tượng trượt giá do chính lệnh mua mà anh ta đặt.
Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà giao dịch chuyên nghiệp cần lên kế hoạch và thực hiện một cách cẩn trọng, trong đó cố gắng hấp thụ tất cả cổ phiếu sẵn có trên thị trường tại mức giá trung bình thấp nhất có thể.
Các thủ thuật xử lý
Trong quá trình tích lũy cổ phiếu, các tay chơi lớn tạo ra một môi trường cực yếu. Khả năng cao là tin tức lúc này chắc chắn rất tệ hại và nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nên tham gia vào chiều hướng sai trên thị trường. Bằng nhiều thủ thuật khác nhau, các nhà giao dịch lớn tìm cách hấp thụ dần dần toàn bộ lực cung sẵn có trên thị trường.
Trong khung giá tích lũy, chúng ta sẽ thấy một sự kiện cơ bản mang tính đại diện cho bối cảnh giá này, bởi trong nhiều trường hợp, sự kiện này sẽ bắt đầu chuyển động theo xu hướng mới. Sự kiện này chính là cú Rũ bỏ giảm, hay còn gọi là Spring. Đây là một chuyển động giảm giá bất ngờ, phá vỡ mức hỗ trợ của khung giá và ở đó, các tay chơi lớn thực hiện một công ba việc: (1) Đẩy giá chạm vào mức dừng lỗ của các nhà giao dịch đang giữ vị thế mua; (2) Dẫn dụ các nhà giao dịch thiếu thông tin phải bán ra vì họ nghĩ rằng xu hướng giảm giá đang tiếp tục và (3) Tìm kiếm lợi nhuận từ chuyển động giá này.
Mặc dù đúng là sự kiện rũ bỏ này là hành động bổ sung thêm sức mạnh cho kịch bản tăng giá, nhưng không phải lúc nào nó cũng xuất hiện. Chúng ta cần phải ý thức được rằng, trong nhiều tình huống xu hướng tăng được hình thành mà không hề có hành động rũ bỏ này. Bối cảnh như vậy sẽ có phần khó nhận diện hơn nhưng vẫn có mức giá trị tương đương. Cùng lúc này, các nhà giao dịch mạnh cần loại “các tay chơi yếu” ra khỏi thị trường.
Đó là những nhà giao dịch đang ở vị thế mua nhưng sẽ sớm đóng vị thế để chốt lời ngắn hạn; và động thái đóng vị thế mua này sẽ tạo ra các lệnh bán mà nhóm tay chơi lớn buộc phải hấp thụ hết nếu muốn đẩy giá lên cao hơn. Một phương pháp họ có thể áp dụng để loại bỏ được loại nhà giao dịch yếu này là tạo một bối cảnh thị trường tẻ nhạt, đi ngang nhằm khiến những tay chơi yếu chán nản và bán đi vị thế của mình.
Các đặc điểm thường thấy của cấu trúc tích lũy
Sau đây là các đặc điểm chủ chốt của khung giá tích lũy:
• Khối lượng và độ biến động giảm đi trong quá trình hình thành khung giá: Điều này là vì ngày càng có ít cổ phiếu trôi nổi để bán, do đó độ biến động giá và khối lượng sẽ dần dần bị thu hẹp lại.
• Các lần kiểm tra ở vùng cao của khung giá có khối lượng cạn kiệt: điều này cho thấy thiếu vắng lực bán, ngoại trừ khi giá chuẩn bị bắt đầu chuyển động vượt ra ngoài khung giá.
• Các lần Spring về các đáy trước đó: có thể là cú rũ bỏ toàn bộ các vùng hỗ trợ hoặc các đáy nhỏ bên trong khung giá.
• Các chuyển động tăng giá sẽ nhẹ nhàng hơn, spread (chênh lệch giá mua và bán) giá rộng hơn so với các lần giảm giá trước đó. Điều này cho thấy có nguồn cầu chất lượng tốt đang nhảy vào và cho thấy chất lượng phía cung đang yếu đi.
• Hình thành các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn. Hành động này nên được nhìn thấy ở giai đoạn cuối của khung giá, ngay trước khi giá bắt đầu cú nhảy vọt của bên bò. Diễn biến này cho thấy người mua đang dành quyền kiểm soát toàn bộ cuộc chơi.
Bắt đầu chuyển động tăng giá
Khi chẳng còn mấy cổ phiếu trôi nổi để hấp thụ, điểm đảo chiều xuất hiện. Những tay chơi mạnh nắm quyền kiểm soát giá trị cuộc chơi và họ chỉ thoát khỏi vị thế tại các mức giá cao hơn rất nhiều. Giờ đây, chỉ cần lực cầu tăng nhẹ cũng đủ đẩy giá bất ngờ chuyển động tăng mạnh để bắt đầu xu hướng tăng.
Các sự kiện trong cấu trúc lũy
Sự kiện #1: Điểm chặn ban đầu (Preliminary Stop)
Điểm chặn ban đầu là nỗ lực đầu tiên để chặn xu hướng đang diễn ra, kết quả của điểm chặn ban đầu luôn thất bại. Nó là cảnh báo sớm về việc xu hướng có thể đang đi đến hồi kết thúc.
Sự kiện #2: Cao trào (Climax)
Đây là chuyển động cuối cùng của xu hướng trước đó. Sau khi chuyển động kéo dài, giá đạt tới tình trạng thái quá, kích thích sự xuất hiện của các nhà giao dịch chuyên nghiệp.
Sự kiện #3: Phản ứng kỹ thuật (Reaction)
Đó là tín hiệu lớn đầu tiên cho thấy sự thay đổi trong cảm xúc của thị trường. Chúng ta sẽ chuyển từ thị trường được một bên kiểm soát thành thị trường mà hai lực đối lập sẽ ở thế cân bằng.
Sự kiện #4: Kiểm tra (Test)
Sự kiện có những cách giải thích khác nhau tùy thuộc vào vị trí nó xuất hiện. Nhìn chung, mục tiêu của sự kiện này là cố gắng đánh giá mức độ quyết liệt hoặc hời hợt của các bên nhà giao dịch tại một thời điểm nhất định và theo một chiều hướng nhất định.
Sự kiện #5: Rũ bỏ (Shake)
Đây là thời điểm mấu chốt của phân tích cấu trúc. Sự kiện này là hành động lừa gạt cuối cùng mà các nhà giao dịch chuyên nghiệp tạo ra, trước khi thiết lập chuyển động có xu hướng theo hướng ít bị cản trở nhất.
Sự kiện #6: Điểm phá vỡ (Breakout)
Đây là bằng chứng rõ ràng nhất về mức độ quyết liệt mà các nhà giao dịch chuyên nghiệp có thể sử dụng để đánh giá. Nếu các tay chơi lớn đã làm tốt quá trình hấp thụ trước đây, họ sẽ dễ dàng tạo ra điểm phá vỡ thoát khỏi cấu trúc và tiếp tục đẩy giá di chuyển theo xu hướng.
Sự kiện #7: Xác nhận (Confirmation)
Nếu phân tích chính xác, một cú kiểm tra đột ngột sẽ xuất hiện nhằm xác nhận các tay chơi chuyên nghiệp đã tham gia vào xu hướng và hỗ trợ cho xu hướng đó tiếp tục chuyển động.
Chi tiết sự kiện Sự kiện #5: Rũ bỏ (Shaking)
Rũ bỏ là một sự kiện mấu chốt mà các nhà giao dịch theo phương pháp Wyckoff chờ đợi. Theo quan điểm của tác giả, không có sự kiện nào củng cố cho phân tích của chúng ta hơn sự kiện này. Dưới góc nhìn cá nhân, tôi đánh giá đây là sự kiện quan trọng nhất xảy ra trên thị trường tài chính. Sau một giai đoạn các nhà giao dịch lớn đã tích lũy được phần lớn quy mô vị thế mong muốn, họ sẽ sử dụng hành vi này để tạo ra điểm xoay chiều vì nó tạo ra một chuyển động có xu hướng để rời khỏi nền giá.
Để kỳ vọng hành động rũ bỏ tiềm năng xuất hiện, trước đó ta phải chứng kiến hai hành động sau xảy ra:
• Xu hướng trước đó dừng lại, dù có xuất hiện khối lượng cao trào hay không cũng được.
• Xây dựng một nguyên nhân có quy mô lớn. Đây là lúc hình thành Pha B, trong đó chúng ta có thể rút ra rằng các nhà giao dịch chuyên nghiệp đã và đang hấp thụ cổ phiếu.
Cuộc chơi có tổng bằng 0
Như chúng ta biết, hoạt động của thị trường tài chính dựa trên quy luật cung cầu, nên để một lệnh được khớp cần phải có một lệnh đối ứng. Điều này có nghĩa rằng để có một lệnh bán thì phải có một lệnh mua đối ứng và ngược lại.
Đây là điều cực kỳ quan trọng cần phải nắm, vì sự kiện chúng ta đang phân tích cũng tương tự như hai sự kiện PS và Cao trào, tất cả các lệnh xuất phát từ những nhà giao dịch thiếu thông tin hay các tay chơi yếu đang được hấp thụ bởi các tay chơi mạnh hoặc có đầy đủ thông tin. Yếu tố then chốt khi phân tích sự kiện này là xác định xem khi vùng quan trọng bị phá vỡ, mức độ quyết liệt đến đâu và phản ứng ngay sau đó của thị trường ra sao.
Hành vi
Hành động rũ bỏ thật ra rất đơn giản: Chuyển động phá vỡ vùng thanh khoản trước đó (là vùng có một lượng lệnh rất lớn đang chờ khớp), ban đầu, hành động này khiến nhà giao dịch tưởng lầm giá sẽ di chuyển theo hướng của điểm phá vỡ hướng lên (hoặc phá thủng đi xuống) nhưng thực sự thì nó mang ý đồ khác.
Thật ra đây chỉ là điểm phá vỡ giả, ở đó các tay chơi lớn sẽ hấp thụ tất cả các lệnh chờ để bắt đầu đẩy giá đi theo xu hướng mà họ kỳ vọng.
Đây là cách mà thị trường tài chính chuyển động: bằng cách tìm kiếm thanh khoản. Nếu các nhà giao dịch lớn không thể tìm thấy phía đối ứng để khớp các lệnh của mình, thị trường không thể dịch chuyển. Do đó, họ cần tạo ra cảm giác đây là điểm phá vỡ (hoặc phá thủng) thật để thu hút thêm nhiều nhà giao dịch yếu và hấp thụ tất cả các lệnh đó.
Nếu chúng ta xem xét bất cứ đồ thị nào, chúng ta sẽ thấy rằng trước bất cứ chuyển động xu hướng quan trọng nào đều xuất hiện một cú rũ bỏ bởi đây là điều hết sức cần thiết. Việc hấp thụ hết các lệnh của nhóm nhà giao dịch yếu tạo động lực cần thiết cho giá quay đầu.
Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ cải thiện được thành tích giao dịch ở một mức độ nhất định vì sẽ ý thức hơn khả năng này xảy ra và theo thời gian, chúng ta sẽ học được cách kiếm lợi nhuận từ hành vi này.
Spring xuất hiện như thế nào trên đồ thị
Thông thường, cú Rũ bỏ sẽ diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau:
Một Cây Nến
Nến này được biết tới với cái tên thông dụng là nến búa. Cây nến xuyên thủng vùng hỗ trợ và nhanh chóng quay trở lại bên trong khung giá. Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong một thanh nến, tạo ra một đuôi (bóng nến dưới) rất dài.
Bóng nến dưới chính là dấu hiệu bác bỏ giá sẽ di chuyển theo xu hướng giảm hiện tại. Các nhà giao dịch lớn đẩy giá lên lại, ngược hướng với điểm phá thủng xuất hiện trước đó một cách quyết liệt, giúp họ nắm được quyền kiểm soát thị trường chí ít là tạm thời.
Mẫu Hình Gồm Hai Hoặc Nhiều Cây Nến
Bối cảnh của hành động này giống hệt bối cảnh một cây nến. Điểm khác biệt duy nhất là hành vi này được hình thành trong một khoảng thời gian rộng hơn.
Trong mẫu hình này, giá mất nhiều thời gian để đảo chiều và khôi phục lại vùng giá đã bị phá thủng, đây là một yếu tố cho thấy sức mạnh của cú sốc giá này ít đi. Nói cách khác, thời gian đảo chiều càng ít thì sức mạnh của cú sốc giá càng lớn.
Cấu Trúc Nhỏ
Trong tình huống này, giá bị giữ suốt thời gian dài (dài hơn hai trường hợp trên) trong vùng rũ bỏ tiềm năng.
Lúc này, nguồn lực kiểm soát thị trường không được xác định rõ ràng, đây là lý do tại sao cần hình thành một cấu trúc nhỏ để đóng vai trò tạo ra cú rũ bỏ cuối cùng trong cấu trúc lớn. Đây là một ví dụ rõ ràng về tầm quan trọng của bối cảnh.
Tại vị trí Spring tiềm năng, ta tìm kiếm các cấu trúc tích lũy nhỏ có khả năng tạo ra cú đảo chiều tăng giá.
Chức năng của Rũ bỏ
Chuyển động này được tạo ra bởi các tay chơi lớn và có một vài chức năng như sau:
- Loại bỏ những nhà giao dịch yếu ra khỏi thị trường
- Họ là những người tham lam. Họ là những nhà giao dịch nhìn thấy giá tạo ra một đáy mới, và nghĩ rằng điểm phá thủng hướng xuống này sẽ tiếp tục nên nhảy vào bán tiếp để tạo ra áp lực xuống.
Điều quan trọng cần lưu ý là không chỉ những nhà giao dịch bị chi phối bởi cảm xúc này nhảy vào bán mà các phần mềm lập trình tự động (theo chiến lược điểm phá vỡ/điểm phá thủng) cũng sẽ tham gia ở đây.
Những robot kích hoạt các chiến lược giao dịch theo đà tăng trưởng khác, điều làm tăng thêm áp lực bán vào chuyển động giá này. Đó là lý do tại sao kiểu cú sốc này thường được đi kèm với sự tăng lên đáng kể của khối lượng. Đây là khu vực giao dịch quan trọng cho nhiều chiến lược và do đó sẽ dẫn tới sự xuất hiện của một lượng lớn lệnh.
- Loại bỏ những nhà giao dịch sợ hãi ra khỏi thị trường
Đây là nhóm các nhà giao dịch nắm giữ vị thế đang thua lỗ trong một thời gian dài và sức chịu đựng của họ đang tới điểm giới hạn. Sau khi nhìn thấy giá càng lúc càng chống lại mình, họ càng lúc càng sợ mình lỗ nặng thêm và cuối cùng họ chấp nhận từ bỏ vị thế.
- Đẩy những kẻ khôn ngoan không đúng chỗ ra khỏi thị trường
Nhìn chung, đây là nhóm người đọc thị trường khá tốt và họ đã chính xác khi dự đoán giá sắp đảo chiều. Tuy nhiên, họ quá vội vàng và đã hành động sớm hơn một nhịp. Họ có thể phải bán cắt lỗ trong sự kiện Cao trào hoặc các lần Spring nhỏ của khung giá.
Cú sốc bất ngờ cuối cùng này sẽ đá văng những nhà giao dịch khôn ngoan không đúng chỗ này ra khỏi thị trường bằng cách khiến họ buộc phải thực hiện lệnh dừng lỗ.
- Tìm kiếm lợi nhuận từ chuyển động giá này
Các nhà giao dịch chuyên nghiệp là những người có sức mạnh đủ để khiến thị trường mất cân bằng và gây ra chuyển động điểm phá vỡ, họ sẽ lợi dụng chuyển động có xu hướng sau điểm phá vỡ để chốt lợi nhuận từ chênh lệch giá.
Các loại Spring
Tại thời điểm xảy ra điểm phá thủng mức hỗ trợ, ta vẫn phải duy trì sự chú ý, cẩn trọng quan sát hành vi giá và khối lượng. Nếu chúng ta đã có vị thế mua, thì phụ thuộc vào mức độ giảm giá để quyết định nên tiếp tục nắm giữ hay đóng lệnh ngay lập tức. Nếu thấy xuất hiện một cú bật tăng mạnh từ mức giá này với sự tăng nhẹ trong khối lượng, có thể đây là một điểm quan trọng cho thấy sức mạnh kỹ thuật đang hình thành.
Có ba loại Spring khác nhau dựa trên mức độ nguồn cung quan sát được tại thời điểm xảy ra điểm phá vỡ hướng xuống.
Spring loại 1 hay còn gọi là Cú Rũ Bỏ Cuối Cùng (Terminal Shakeout)
Cung xuất hiện mạnh mẽ (lực bán rất quyết liệt). Bằng chứng của điều này là sự gia tăng bất ngờ trong khối lượng và sự mở rộng của khung giá, tạo ra cú xuyên thủng mạnh đường hỗ trợ.
Về bản chất, Spring hay Cú Rũ Bỏ Cuối Cùng là một hành động giống nhau: Một chuyển động giảm giá phá thủng mạnh vùng hỗ trợ trước đó. Nhưng hai sự kiện này vẫn có điểm khác biệt ở khối lượng và mức độ giảm giá. Spring được dùng để chỉ cú giảm giá ngắn hơn với mức khối lượng thấp hoặc trung bình; còn Cú Rũ Bỏ Cuối Cùng sử dụng cú giảm giá sâu hơn với khối lượng lớn.
Bên bán đang kiểm soát tình hình. Bối cảnh thị trường rất yếu và giá giảm. Để loại Spring này thành công, cần phải có một lực cầu chảy vào cực mạnh và lái giá cổ phiếu tăng trở lại với khung giá rộng với khối lượng tương đối lớn.
Chỉ báo đầu tiên cho thấy lực cầu đang đổ vào thị trường là sau cú giảm giá mạnh, khối lượng vẫn duy trì ở mức cao nhưng khung giá bắt đầu thu hẹp lại.
Nếu cầu không xuất hiện, giá sẽ tiếp tục giảm và chúng ta sẽ phải xây lại vùng tích lũy mới trước khi có một xu hướng tăng mới xuất hiện.
Spring loại 2
Trong trường hợp này, giá phá thủng hướng xuống ở mức độ vừa phải với sự tăng lên của cả về khối lượng lẫn sự mở rộng của khung giá.
Trên thị trường có một nguồn cung trôi nổi (nhóm nhà giao dịch sẵn sàng bán), nhưng không áp đảo như Spring loại 1. Nguồn cung tiềm năng này phải được hấp thụ bởi các nhà giao dịch chuyên nghiệp trong trường hợp họ muốn lái giá cổ phiếu tăng lên, đó chính là lý do tại sao ta sẽ liên tục nhìn thấy các cú kiểm tra ở vùng này.
Spring loại 3
Có sự kiệt sức ở bên bán (không còn người bán quyết liệt). Bằng chứng là giá phá thủng đáy với sự sụt giảm khối lượng và các khung giá hẹp dần, cho thấy không mấy ai mặn mà quan tâm tới việc giảm giá.
Đây là loại Spring rất mạnh mà ta có thể trực tiếp tiến hành mở vị thế mua. Chúng ta có thể tìm thấy biến thể cuối cùng, ở đây sự kiện diễn ra bên trong các mức đáy thấp nhất của khung giá. Sự kiện này là dấu hiệu cho thấy nền tảng sức mạnh lớn hơn, mặc dù các nhà giao dịch chuyên nghiệp vẫn ưa chuộng sự rũ bỏ phá thủng đáy dưới của khung giá hơn, vì điều này sẽ giúp loại bỏ phần cung còn lại của các tay chơi yếu tốt hơn.
Hành động Spring là dấu hiệu SOS quan trọng vì việc giá thất bại tạo ra điểm phá thủng hướng xuống mang đến cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ hơn về khả năng tăng giá sau đó.